Văn hóa Sông Hinh (huyện)

Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên đời sống văn hóa hết sức phong phú, độc đáo, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Về di sản văn hóa vật thể hiện huyện Sông Hinh còn gần 600 bộ cồng chiêng các loại, 11 bộ A Ráp, đàn Tính của người Tày, đàn Đinh Klút của người ÊĐê, Tù Và của người Dao… Về di sản văn hóa phi vật thể, Sông Hinh còn gần 100 sử thi, nhiều nhất là của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Sử thi Sông Hinh không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề sáng tạo, mà chất lượng nhiều bản sử thi có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ...

Đồng thời, Sông Hinh cũng được xem là vùng đất của lễ hội, với nhiều lễ hội phong phú, độc đáo như: Cúng về nhà mới, cúng Giàng (Trời), cúng rẫy, cúng bến nước, cúng lúa về kho, cúng lễ cưới, trì lễ đâm trâu….Nền văn hoá đa dạng về hình thức và phong phú về thể loại, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc như: Hát Khan, Cồng chiêng – A Ráp, Trống Đôi, Kèn Lá, Đàn Goong, Đàn Tính, Hát Then…

Bên cạnh đó trang phục Thổ cẩm của người đồng bào thiểu số cũng là nét đặc trưng được nhiều người yêu thích, bởi nét hoa văn trang trí cầu kỳ và màu sắc tươi đẹp. Đặc biệt với sinh hoạt văn hoá cộng đồng tại các nhà Rông văn hoá ở từng buôn, làng bên ché rượu cần say đắm tình người đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc anh em trên địa bàn huyện.